Bí quyết đọc sách hiệu quả?
Bạn không biết bắt đầu đọc sách gì?
Bạn đọc sách xong mà không nhớ gì cả?
Bài viết này sẽ giúp bạn.
Sách có lẽ là tài sản lớn nhất của loài người. Từ lâu, chúng ta đã thể hiện được sự vượt trội so với các giống loài khác trên trái đất không chỉ vì chúng ta thông minh hơn mà còn là vì chúng ta biết cách thừa hưởng những tinh tuý, kinh nghiệm của thế hệ trước thông qua đọc sách.
Bạn thử nghĩ xem. Để viết được một cuốn sách, tác giả phải dày công nghiên cứu, tích luỹ kinh nghiệm và chắt lọc những thứ hay nhất mà họ học được để đưa vào trong một cuốn sách chỉ vài trăm trang. Và bạn thừa hưởng tất cả những kinh nghiệm đó chỉ sau vài ngày đọc.
Giá trị của sách là không bàn cãi và hầu hết mọi người đều công nhận sách là một tài sản quý và đọc sách là một thói quen cực kỳ tốt. Vậy nhưng, tại sao sách tốt như vậy mà vẫn rất có rất ít người dành thời gian để đọc sách? Theo như khảo sát thì một năm ở Việt Nam trung bình một người đọc chưa tới một cuốn sách (không kể sách giáo khoa) và con số này là cực kỳ khiêm tốn so với các nước tiên tiến.
Lí do hầu hết chúng ta không hình thành được thói quen đọc sách là bởi vì chúng ta không biết một phương pháp đọc sách hiệu quả và đúng đắn. Điều đó làm chúng ta nhanh chán và cảm giác buồn ngủ khi đọc sách. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn chi tiết nhất về cách đọc sách hiệu quả và đọc sách một cách chủ động mà không cảm thấy chán hay buồn ngủ.
Và sau đây là 4 bước để đọc sách hiệu quả:
1. Bạn phải biết mình là ai và mình đang cần gì.
Rất nhiều bạn bắt đầu hành trình đọc sách của mình bằng cách lên các diễn đàn, các trang đánh giá sách hoặc hỏi bạn bè mình về một cuốn sách hay để bắt đầu đọc. Và thông thường các bạn bỏ dở cuốn sách khi chỉ đọc được vài trang. Tại sao vậy?
Câu trả lời là: Bạn chưa biết mình là ai và chưa biết mình cần gì.
Mỗi người có một trình độ đọc sách khác nhau, một nền tảng kiến thức khác nhau và qua đó cách tiếp thu sách cũng rất khác nhau. Cuốn sách mà bạn được người khác khuyến nghị chỉ hay khi bạn có cùng trình độ đọc sách và nền tảng kiến thức với người khuyến nghị. Và đó là lí do tại sao bạn nghe đâu đó một cuốn sách rất hay nhưng khi mua về bạn lại chẳng thể đọc nổi.
Lí do thứ hai khiến bạn chán khi đọc sách chính là bạn chưa biết mình cần gì hoặc đọc những kiến thức mình không cần. Ví dụ như, bạn là một sinh viên mới ra trường và mong muốn có một việc làm thì cuốn sách bạn cần không phải là “Thiên nga đen” (một cuốn sách cực kỳ nổi tiếng về kinh tế) mà là những cuốn sách về kỹ năng phỏng vấn và làm việc mới đúng. Bạn hiểu ý mình đúng không.
2. Chọn một cuốn sách phù hợp với bạn.
Sau khi bạn đã biết mình đang ở trình độ đọc sách nào và bạn đang cần gì thì bước tiếp theo là chọn một cuốn sách phù hợp với bạn.
Một cuốn sách phù hợp nên có 3 yếu tố:
– Dễ đọc.
– Dễ nhớ.
– Dễ hoàn thành.
Dễ đọc có nghĩa là khi bạn đọc cuốn sách đó bạn có thể dễ dàng hiểu được phần lớn ý mà tác giả truyền đạt. Nếu bạn đọc một cuốn sách và thấy chẳng hiểu gì hết thì đó là lúc bạn nên xem lại bước 1 ở trên và xác định lại trình độ đọc của mình.
Dễ nhớ là khi bạn đọc xong một cuốn sách bạn có thể nhắc lại những kiến thức, những kháI niệm mà sách đã mô tả. Việc này là rất cần thiết vì nó sẽ tạo nên nền tảng kiến thức cho bạn để bạn có thể đọc những cuốn sách chuyên sâu hơn.
Dễ hoàn thành có nghĩa là bạn có thể đọc xong một cuốn sách một cách không quá áp lực. Nhiều bạn bỏ việc đọc sách chỉ vì đặt ra áp lực quá lớn với việc đọc sách như “mỗi ngày phải đọc 50-100 trang”, điều đó là không cần thiết và khiến bạn dễ nản khi đọc. Việc hoàn thành một cuốn sách còn là cách tạo động lực để bạn tiếp tục đọc và hoàn thành những cuốn sách tiếp theo, tạo đà cho hành trình đọc sách của bạn. Điều này rất tốt.
3. Tiến hành đọc sách một cách chủ động.
Bước tiếp theo là chúng ta đi vào việc đọc sách một cách chủ động.
Khác với tiếp thu kiến thức một cách thụ động như các bạn thường thấy ở trường học là đọc-chép. Phương pháp đọc chủ động yêu cầu bạn phải suy nghĩ nhiều hơn. Lúc này bạn sẽ thấy việc đọc sách của mình giống như một hành trình thu lượm kiến thức và rất thú vị.
Để việc đọc sách chủ động được thuận tiện, trước khi đọc bạn cần chuẩn bị một cây bút chì, một cây bút dạ và với bản thân mình thì mình sử dụng thêm một cây bút mực đen.
Khi đọc đến một đoạn hay và đáng nhớ bạn hãy highlight phần đó lên kèm theo một câu nhận xét chủ quan của bạn như “hay quá”, “sao ông tác giả này nói đúng dữ”, “vậy mà mình nghĩ không ra”…. việc viết ra cảm xúc như vậy sẽ giúp bạn gắn những kiến thức đã đọc với những cảm xúc thú vị nên sẽ nhớ rất là lâu.
Khi gặp một đoạn nào bạn tâm đắc và nghĩ rằng mình nên lưu lại để tham khảo thì bạn hãy ghi chú lại một mục lục của riêng bạn.
4. Viết lại những điều đã học được hoặc nói những điều đã học được cho người khác.
Và bước cuối cùng khi bạn hoàn thành cuốn sách cũng là lúc bạn nên chia sẻ những điều mình học được, những kiến thức mình thấy hay cho người khác. Đây là một cách rất hay để ôn bài, và hơn cả vậy bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng mình lại có những ý tưởng hay hơn khi chia sẻ kiến thức cho người khác. Đây là sự kì diệu của việc cho đi.
Một phần phụ trong việc chia sẻ là các bạn có thể chia sẻ ở nhiều dạng khác nhau: các bạn có thể viết ra những điều mình học được, có thể chia sẻ lên facebook, có thể làm clip trên youtube hoặc là viết một blog. Dù bằng cách nào thì hiệu quả sẽ càng nhân lên khi bạn chia sẻ càng nhiều.
Tâm
Tháng Tư 4, 2020 at 12:33 sángEm cảm ơn ạ.
Trâm
Tháng Tư 4, 2020 at 12:37 sángMình cũng chỉ mới bước vào hành trình đọc sách. Chia sẻ của bạn rất thú vị. Thanks
Me Doc Sach
Tháng Tư 12, 2020 at 12:16 chiềuCảm ơn bạn