Nguyên lý sóng Elliott

ELLIOTT – NGUYÊN LÝ SÓNG HAY NGUYÊN LÝ SỐNG

Nếu bạn từng đầu tư chứng khoán theo trường phái Phân tích kỹ thuật có lẽ bạn sẽ biết đến mô hình sóng Elliott. Nôm na một cách dễ hiểu thì đây chính là mô hình vận động của giá cổ phiếu, giúp bạn có thể đưa ra tiên đoán về mục tiêu giá trong tương lai.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó. Mô hình sóng này còn đi xa hơn thế.

Năm 1938, R.N. Elliott trình bày phát hiện trong cuốn sách “Luật tự nhiên” về sự lặp lại của các cấu trúc vận hành mà ông gọi là Sóng. Năm 1978, Robert Prechter đã phổ biến lý thuyết này trong cuốn sách “Nguyên lý sóng” mà mọi người được biết với cái tên “Sóng Elliott”.

Theo đó, mô hình sóng này cho chúng ta thấy rằng những điều tưởng chừng như hỗn loạn, không thể dự đoán và mất trật tự thật ra lại không hoàn toàn ngẫu nhiên.

Điều này có thể sẽ hơi khó nếu chúng ta chưa tìm hiểu về sóng Elliott. Để đơn giản chúng ta có thể xem cách vận hành mô hình sóng như sau:

Đầu tiên, giá cổ phiếu sẽ tăng (đây chính là sóng 1), đến một mức nào đó thì nó sẽ điều chỉnh để tích luỹ (đây là sóng 2), sau đó là một pha bật tăng mạnh nhất trong chu kỳ sóng (sóng 3), sau sự bật tăng này là tiếp tục một chu kỳ tích luỹ (sóng 4) và tiếp theo là pha tăng giá cuối cùng (sóng 5). Sau sóng 5 là pha giảm giá (Sóng A-B-C).

Có thể đến đây cũng còn hơi lơ mơ. Vậy thì chúng ta thử liên tưởng về cuộc đời chúng ta xem nó có vận hành theo một quy luật không nhé!

Chúng ta sẽ bắt đầu với độ tuổi 22-23 tuổi. Đây là lúc chúng ta vừa rời giảng đường đại học và bắt đầu một cuộc sống tự lập.

Đầu tiên, chúng ta đi kiếm một công việc. Sau khi được tuyển dụng, chúng ta bắt đầu học cách làm việc. Ban đầu mọi thứ đều rất mới và chúng ta rất nhiệt huyết, chúng ta có một động lực làm việc lớn và đạt được một số thành tích (tăng lương, thăng chức…). Đây là giai đoạn 1 của sóng Elliott.

Rồi đến một ngày, chúng ta thấy nhàm chán với công việc hiện tại, chúng ta mất động lực làm việc. Chúng ta thấy rằng mình bị nghẽn một điểm nào đó mà không thoát ra được. Chúng ta dần lơi là và ít hứng thú với công việc trước kia hơn. Đây là sóng điều chỉnh 2 trong cuộc đời bạn. Và việc bạn làm gì trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con sóng tiếp theo của cuộc đời bạn.

Nếu trong suốt giai đoạn sóng 2, bạn cố gắng đi tìm con đường cho mình, cố gắng bổ sung kiến thức và kỹ năng, rồi sẽ đến lúc bạn có cơ duyên gặp một điểm bùng phát, đó có thể là một người nào đó, một cuốn sách nào đó hay một biến cố nào đó trong cuộc sống. Lúc đó sẽ diễn ra con sóng lớn nhất trong cuộc đời bạn, đó là sóng 3 trong mô hình sóng Elliott. Như đã nói trước đó, đây là con sóng lớn nhất của bạn và nó lớn tới bao nhiêu thì phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn tích luỹ ở sóng 2 của cuộc đời bạn. Đây là con sóng thường diễn ra ở độ tuổi 30 “tam thập nhi lập”.


Con đại sóng 3 sẽ đưa bạn đi rất xa, bạn sẽ có rất nhiều thành tựu, tiền tài và danh vọng. Tuy nhiên, một ngày tỉnh dậy trong một ngôi nhà mơ ước, bạn bỗng thấy trống rỗng và chẳng biết phải làm gì tiếp theo nữa. Đây là biểu hiện của con sóng hiệu chỉnh 4. Khác với sóng hiệu chỉnh 2, sóng hiệu chỉnh 4 này diễn ra khi bạn ở độ tuổi khoảng 40, bạn đủ chững chạc để không bốc đồng và mất phương hướng như sóng 2. Đây là con sóng để bạn nhìn lại mình, nhìn quãng đường mình đã đi, thành công và thất bại, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi một chút trước khi đi tiếp.

Và sau một thời gian nghỉ ngơi, đánh giá lại mình. Bạn đã biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Lúc đó bạn sẽ đi đến sóng 5, sóng cuối của sự phát triển. Đây là bước nhảy cuối cùng của bạn trong sự nghiệp, bởi độ tuổi của bạn đã lớn, tầm 50 tuổi, có thể có ngoại lệ nhưng thường thì ở độ tuổi này chúng ta sẽ không còn đủ sức mạnh và sự liều lĩnh như tuổi trẻ nữa. Do đó, con sóng này sẽ không đi xa như sóng 3. Và bạn hãy tập chấp nhận con sóng này sẽ có thể kết thúc hết sức bất ngờ. Điều đúng đắn cần làm trong con sóng này là tạo ra giá trị cho thế hệ tiếp theo. Đây chính là điều mà chúng ta hay nghe “Tiến vi sơn, thoái vi sư”.

Nếu chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận và trao lại giá trị cho thế hệ kế tiếp thì con sóng này sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng với bạn.

Sau sóng 5 là giai đoạn bên kia triền dốc của chúng ta. Đây là giai đoạn hầu như chúng ta sẽ không còn có thành tựu lớn lao trong sự nghiệp nữa. Đây chính là tuổi nghỉ hưu của chúng ta vào tầm 60 tuổi.

Như đã nói ở trên, giai đoạn này là giai đoạn “thoái vi sư”. Ở giai đoạn này chúng ta không quá quan tâm đến sự nghiệp, mà chúng ta quan tâm đến việc tạo giá trị cho cuộc đời hơn. Chúng ta muốn truyền kinh nghiệm lại cho lớp trẻ thông qua sách vở và những cuộc nói chuyện. Chúng ta thực sự là những người thầy đúng nghĩa trong giai đoạn này.

Đây là giai đoạn xu hướng chính là giảm, do đó nếu chúng ta học được cách buông bỏ thì chúng ta sẽ cực kỳ an lạc.

Ai cũng sẽ đi qua 5 con sóng của cuộc đời, nhưng diễn tiến sóng của mỗi người lại mỗi khác. Có thể chúng ta bắt đầu sóng sớm một chút, có thể chúng ta sẽ kết thúc sóng trễ hơn, điều đó tuỳ thuộc hoàn toàn vào bản thân của chúng ta.

Nếu chúng ta biết mình đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ sóng của cuộc đời, chúng ta sẽ có rất nhiều lợi thế. Đó là lí do tại sao những sóng giảm như sóng 2 hoặc sóng 4 là cần thiết để chúng ta tích luỹ thêm kinh nghiệm và động lực cho những sóng tăng tiếp theo, chứ đó không phải là sự kết thúc.

Nếu bây giờ bạn thấy cuộc sống quá khó khăn? Đừng lo! Rất có thể bạn đang ở sóng điều chỉnh 2 hoặc 4 thôi. Chỉ cần cố gắng thêm chút nữa là thiên đường rồi.

Tìm hiểu thêm về sóng Elliott tại đây: /sach-hay/huong-dan-giao-dich-theo-song-elliott (Sách chủ yếu dành cho các bạn đầu tư tài chính)

Những Bài Có Liên Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *